Hành trình tự do tài chính P3: 3 cột mốc đầu tiên của giai đoạn 1

Và sau quãng thời gian quá dài, tôi đã quay lại với hành trình của chúng ta rồi đây. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tiếp tục các nội dung trong chuỗi hành trình Tự do tài chính mà chúng ta đang nói tới.

Các bạn có thể xem các phần trước của chuỗi bài viết về Hành trình tự do tài chính được tôi tổng hợp lại tại đây.

Phần 1: Hành trình tự do tài chính P1: Ba câu hỏi What – Why – How?

Phần 2: Hành trình tự do tài chính P2: Tổng quan toàn bộ hành trình (12 bước)

Bài viết này tương đương với video thứ 3 của anh Hiếu TV và các bạn có thể xem tại đây. Bài viết này tôi sẽ tóm tắt lại theo ý hiểu của tôi để dễ theo dõi hơn về sau.

Cột mốc số 1: Nợ nần

Đây là giai đoạn mà hầu hết các bạn phương tây hay gặp phải, do đặc thù về văn hóa, phải tự lập sớm nên những bạn này khi học hết phổ thông và muốn đi học đại học thì thường là phải tự túc toàn bộ.

Trong khi đó, thời gian này các bạn đó muốn đi học thì phải vay tiền từ chính phủ các nước (student loan) và sau này khi đi làm rồi sẽ phải trả nợ.

Đây là số tiền rất lớn sau nhiều năm đi học và nhiều khi phải mất nhiều năm mới trả hết nợ, và cái ngày mà các bạn trả hết nợ cũng là ngày các bạn đó thậm chí còn tổ chức ăn mừng.

Còn đối với Việt Nam, trừ những trường hợp khó khăn quá thì đều được bố mẹ chu cấp, nên là sau khi ra trường và đi làm, hầu hết chúng ta đều xuất phát từ con số 0 chứ không phải là từ con số âm như các bạn phương Tây.

giai doan 1 hanh trinh tu do tai chinh

Cột mốc số 2: Ăn bám gia đình

Đây là cái giai đoạn mà hầu như ai cũng phải trải qua, chúng ta chưa đủ sức nuôi sống bản thân nên phải nhờ đến sự chu cấp của gia đình, cha mẹ.

Đại khái, đoạn này anh zai khuyên nên bắt đầu đi làm để tự lo cho mình, từ khi đủ 18 tuổi trở đi. Ngoài việc giảm bớt sự phụ thuộc vào gia đình, điều này còn giúp chúng ta có những nhận thức đầu tiên về tiền bạc.

Vì khi chúng ta còn ăn bám, chúng ta sẽ không biết đồng tiền khó kiếm đến mức nào và chỉ khi làm việc với mức lương ít ỏi, có khi làm cả ngày mới được 1 ly cà phê nên chúng ta sẽ biết quý trọng đồng tiền hơn và nó sẽ trở thành nền tảng cho hành trình tài chính cho mình sau này.

Cuối cùng, chúng ta được phép ăn bám gia đình đến hết năm 18 tuổi, tốt nhất là có thể tự nuôi sống bản thân ngay sau khi học xong phổ thông.

Còn nếu không thì cũng nên đi làm thêm để bớt phụ thuộc và có những nhận thức đầu tiên về tiền bạc. Và sau đó, cho đến năm 22-23 tuổi, tùy theo từng trường đại học học 4 hay 5 năm.

Tóm lại là sau khi ra trường phải tự nuôi được bản thân mình và chúng ta sẽ chuyển sang cột mốc thứ 3.

Cột mốc số 3: Tự nuôi thân

Sang cột mốc này, chúng ta đã có khả năng kiếm được tiền để tự nuôi sống bản thân mình. Đây cũng là một cột mốc quan trọng vì đây chính là điểm đánh dấu ngày mà chúng ta đã hoàn toàn phải bước ra đời để bươn chải.

Tuy nhiên, đây cũng là cột mốc tiềm ẩn nhiều rủi ro vì nếu không cẩn thận trong vấn đề quản lý tài chính, nó sẽ đẩy hẳn chúng ta về bước 2 hoặc thậm chí là về luôn cả bước 1.

Lý do là vì khi còn đang ăn bám gia đình, cần gì thì về xin gia đình, hiếm khi phải đi vay nợ bên ngoài. Cũng có thể là có nhưng mà cũng sẽ không nhiều.

Đại ý ở đây là khoảng thời gian này, do còn đang ăn bám, chưa kiếm được tiền nên chưa nhiều nhu cầu nên chúng ta chưa quen chi tiêu quá nhiều.

Còn khi đã đi làm một thời gian rồi, có tiền và không có kế hoạch tài chính, chúng ta đã quen với việc chi tiêu rồi, thậm chí là chi tiêu quá đà. Cộng thêm là lúc này chúng ta sẽ có tâm lý là mình đi làm rồi thì lo gì không kiếm được tiền.

Nên như vậy quãng thời gian này rất dễ vướng phải nợ nần, và tình trạng này đa số rất phổ biến.

Và lúc này, chúng ta quay lại phân tích kỹ hơn về vụ nợ nần kia.

Một khi vướng phải nợ nần thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều áp lực, chưa kể là nợ xấu hay nợ tốt. Và cái áp lực nợ nần này đã tạo ra rất nhiều điều tiêu cực cho cuộc sống.

Đây là tóm tắt lại 3 giai đoạn trên, nếu bạn nghe Podcast, sẽ được chia sẻ nhiều hơn về việc nợ nần này nó có tác hại ra sao.

Bài này tôi sẽ tóm tắt gọn gàng thế này thôi, bạn nên nghe trực tiếp sẽ có cảm giác được truyền cảm hứng nhiều hơn.

Trong bài viết sau, tức là phần 4 của chuỗi bài và đồng thời cũng là cột mốc thứ 4 của hành trình 12 bước này.

Đây là phần tôi thích nhất và cũng theo như anh Hiếu, đây là cái phần quan trọng nhất và nếu chỉ cần làm được cột mốc số 4 này thôi là cuộc sống của các bạn sẽ thay đổi rất nhiều.

Còn về cột mốc số 3 này, đại đa số chúng ta sẽ dừng lại ở đây và cứ sống như vậy cho đến hết đời, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới đều như vậy, đặc biệt là tại Mỹ và các nước phương tây.

Và cách sống này khiến cho cuộc sống chúng ta rất không an toàn khi chỉ đi làm lãnh lương, hết tháng này qua tháng khác.

Lỡ có điều gì bất trắc, một khoản lớn nào đó cần chi hoặc thậm chí mất đi nguồn thu nhập hàng tháng của bạn như mất việc thì mọi thứ trở nên rất trầm trọng.

Đó là lý do nhiều người Mỹ rất sợ mất việc, nhiều người làm cả đời làm một công việc mà có thể họ không thích mà không dám nhảy việc vì sợ mất đi thu nhập.

Ở Việt Nam thì có thể dễ dàng hơn, vì công việc dễ xin và có thể nhảy việc liên tục. Nhưng kể cả như thế thì cuộc sống vẫn sẽ rất bất an và chúng ta luôn trong trạng thái bị động.

Và đó là lý do 3 cột mốc này, Nợ nần, Ăn bám và kể cả là Nuôi thân nằm trong giai đoạn “Căng thẳng và Bất an”.

Cuối cùng, một khi chúng ta đã có nhận thức về sự nguy hiểm này, chúng ta sẽ không để mình dừng lại ở cột mốc số 3 này bằng cách lập ra các kế hoạch để từ đó bước qua một giai đoạn mới gọi là ”Theo dõi và Kiến tạo”.

Và đó cũng là nội dung của phần sau, các cách theo dõi các hoạt động chi tiêu và thoát ra khỏi cảnh nợ nần một cách nhanh nhất.

Hẹn gặp anh em trong phần sau.

Viết một bình luận